Việt Nam: Ngành công nghiệp nhựa nhiều tiềm năng để phát triển

Ở Việt Nam, so với các ngành công nghiệp lâu đời khác (như cơ khí, điện – điện tử, hoá chất, dệt may…) ngành công nghiệp nhựa còn khá mới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành Nhựa Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ.

Cơ hội lớn

Theo thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), hiện nay ngành Nhựa gần 4.000 doanh nghiệp (DN), phần lớn trong số đó là DN tư nhân (chiếm 99,8% tổng số DN tham gia hoạt động trong ngành công nghiệp nhựa Việt Nam).

Tính trên cả nước hiện có khoảng gần 1.500 doanh nghiệp nhựa đang hoạt động. Số lượng doanh nghiệp nội vẫn đang chiếm ưu thế với 85%. Riêng về hai mảng ống nhựa xây dựng và nhựa vật liệu xây dựng có gần 200 doanh nghiệp đang hoạt động.

Còn đối với mảng nhựa vật liệu xây dựng thì Nhựa Đông Á (DAG) là doanh nghiệp nội chiếm 20 – 25% thị phần toàn quốc, trong đó sản phẩm thanh Profile uPVC chiếm 35 – 40% khu vực Miền Bắc.

Có thể thấy, Việt Nam hiện nay đang là một quốc gia có lượng doanh nghiệp rộng lớn cùng nguồn nhân lực dồi dào. Do đó, hàng năm, ngành nhựa đạt được sự tăng trưởng ở mức 16% – 18%/năm (chỉ sau ngành viễn thông và dệt may), có những mặt hàng tốc độ tăng trưởng đạt gần 100%. Với tốc độ phát triển nhanh, ngành Nhựa đang được coi là một ngành năng động trong nền kinh tế Việt Nam.

Để có được những sự tăng trưởng đó nhờ một phần từ thị trường rộng, tiềm năng phát triển còn lớn. Bởi ngành Nhựa Việt Nam mới chỉ ở bước đầu của sự phát triển so với thế giới và sản phẩm nhựa được phát huy sử dụng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống.

Mặc dù mới đánh dấu sự phát triển nhưng sản phẩm nhựa của Việt Nam hiện nay đã có mặt tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, EU, Mỹ…

Thị trường xuất khẩu chính của sản phẩm nhựa của Việt Nam vào năm 2018 là Nhật Bản và Mỹ. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nhựa trên thị trường Liên minh châu Âu cũng được đánh giá cao, đặc biệt là nhu cầu về ống nhựa khi DN Việt Nam có khả năng thâm nhập tốt và đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu.

Ngoài ra, không thể không kể đến kỳ vọng lớn nhất của ngành nhựa Việt hiện nay đó chính là những hiệp định thương mại: Thương mại tự do Việt – Liên minh Châu  Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tếToàn diện khu vực (RCEP)…

Chính các hiệp định thương mại trên giúp các sản phẩm nhựa Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá như các nước châu Á khác (thuế trung bình từ 8 – 30%).  Do đó, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để DN nhựa Việt Nam tiếp tục tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.

Đẩy mạnh phát triển

Theo Quy hoạch phát triển ngành Nhựa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2025 đã được Bộ Công thương phê duyệt, thì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành Nhựa giai đoạn 2011 – 2020 sẽ đạt 17,5%, tỷ trọng ngành Nhựa so với toàn ngành công nghiệp đến năm 2020 đạt 5,5%.

Theo đó, mục tiêu phát triển của ngành nhựa Việt Nam đến năm 2020 sẽ trở thành một ngành kinh tế mạnh, với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Từng bước xây dựng và phát triển ngành Nhựa đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến sản phẩm cuối cùng, tận dụng và xử lý phế liệu phát sinh, tăng dần tỷ trọng nguyên liệu trong nước để trở thành ngành công nghiệp tự chủ, có khả năng hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới.

Một cách giúp ngành nhựa phát triển rộng lớn là tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp. Để doanh nghiệp Việt Nam có thế đứng vững trong cuộc cạnh tranh toàn cầu này, các doanh nghiệp nhựa trong nước từng bước mở rộng nhà máy, chuẩn bị nguồn nguyên liệu, đẩy mạnh các sản phẩm có giá trị gia tăng cao… đang là một trong những cách mà doanh nghiệp ngành nhựa khẳng định lợi thế của mình.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, không chỉ phát triển thị trường trong nước, nhờ mức tăng trưởng cao, với cơ hội mang lại từ hội nhập, các doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Để làm được điều đó, ngành Nhựa cần phải làm rất nhiều việc, bởi thực tế ngành này đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Mẫu mã, chất lượng, tìm kiếm nguồn nguyên liệu,…là những vấn đề mà ngành phải đối mặt và cải thiện nhiều hơn nữa.Nguồn: Báo Thuơng Trường